CÁCH ĐẠT ĐIỂM TUYỆT ĐỐI DẠNG BÀI ĐIỀN TỪ TRONG TIẾNG ANH

I. Các bước cơ bản giúp bạn làm tốt dạng bài đọc hiểu và điền từ trong tiếng Anh

Bước 1: Đọc lướt để hiểu nội dung đoạn văn, nắm được văn phong, ngữ cảnh của đoạn văn và đặc biệt chú ý đến những chỗ trống cần chọn từ điền vào và những từ/    cụm từ trước và sau chỗ trống đó để xác định từ loại cần điền vào chỗ trống.

Bước 2: Đọc kỹ 4 phương án cần lựa chọn, xem xét chỗ cần điền liên quan đến từ vựng hay ngữ pháp.

Bước 3: Nếu chỗ cần điền liên quan đến từ vựng, hãy đọc kỹ cụm từ, câu hoặc đoạn văn đó, dựa vào ngữ cảnh để đưa ra sự lựa chọn hợp lý nhất.

Bước 4: Nếu chỗ cần điền liên quan đến ngữ pháp hoặc cấu trúc câu, xem xét lại các từ/ cụm từ trước hoặc sau chỗ trống đó (động từ, tính từ, giới từ …); rồi đọc lại 4    phương án để tìm đáp án đúng nhất. 

II. Những trường hợp thường gặp khi làm dạng bài đọc hiểu và điền từ trong tiếng Anh

1. Trường hợp 1

Các phương án có nghĩa giống nhau nhưng khác nhau về từ loại (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, nhân xưng, sở hữu cách,…)

Đây là một câu hỏi dễ vì đề bài chỉ đánh đố kiến thức cơ bản của học sinh về từ loại. Các em chỉ cần xác định được từ loại của 4 lựa chọn A, B, C, D là gì và chỗ trống trong câu cần từ loại gì.

Để chọn đúng từ cần điền vào chỗ trống, các em cần nắm một số quy tắc cơ bản sau:

     - Danh từ thường đứng đầu câu, đóng vai trò là chủ ngữ, hoặc đứng sau động từ làm tân ngữ.

     - Tính từ được dùng để bổ sung ý nghĩa cho danh từ và thường đứng trước danh từ.

     - Động từ thường được bổ nghĩa bởi trạng từ (cỏ thể đứng sau hoặc trước động từ).

Khi làm bài, cần xác định vị trí của từ cần điền so với các từ xung quanh và đoán xem đó là loại từ gì, sau đó mới nhìn xuống phần phương án lựa chọn. Sẽ có những dấu hiệu trong câu cho biết từ còn thiếu là loại từ gì, trong trường hợp có 2 đáp án cùng 1 loại từ thì cân nhắc về nghĩa. 

Cách xác định từ loại: để xác định từ loại, các em cần nắm được một số cấu tạo từ thông dụng:

     - Danh từ

       + Danh từ được cấu tạo từ động từ bằng cách thêm các hậu tố như: -ment (arrangement, management…); -tion, -ion (repetition, decision…); -ence (reference,                    dependence). Chỉ người thì thêm các phụ tố như -ee (employee), -er (teacher), -or (competitor), -ist (dentist…)…

       + Danh từ được cấu tạo từ tính từ bằng cách thêm các hậu tố như: -ty (difficulty…), -ness (carefulness…), -bility (responsibility…), -ce (confidence…)

     - Tính từ

       Tính từ thường được cấu tạo từ danh từ và động từ bằng cách thêm các hậu tố như -ful (beautiful, helpful,…), -less (harmless, careless,…), -ouss (dangerous, continuous,…), -al (financial, economical,…), -ic (climatic, politic,…), -tive (active, competitive,…), -able (trainable …), -ible (defensible…)

     - Trạng từ

       Trạng từ thường được cấu tạo bằng việc thêm đuôi -ly vào tính từ: quick – quickly, beautiful – beautifully,… Ngoài ra có một số trạng từ có hình thức giống với tính từ: fast, hard, far, much,…

2. Trường hợp 2

Cùng 1 động từ nhưng khác nhau về thì, về dạng động từ:

Với dạng đánh đố này, học sinh cần nắm chắc ngữ pháp về cấu trúc và cách sử dụng các thì trong tiếng Anh và mảng ngữ pháp về động từ nguyên mẫu, danh động từ để biết được dạng động từ nào theo sau một động từ. 

Ví dụ: Các động từ như mind, enjoy, avoid, finish, keep,… thì động từ đi sau nó luôn là V-ing. Các động từ như agree, aim, appear, ask, attempt, decide, demand,… thì động từ theo sau nó là động từ nguyên thể có “to” – “to-VinF”. Hay các động từ remember, forget, stop thì động từ theo sau nó có thể là “to-VinF” hoặc “V-ing” và sẽ có ý nghĩa, cách dùng khác nhau. 

3. Trường hợp 3

Giới từ, cụm động từ

Đây là phần khó và học sinh chỉ có thể làm được bằng cách học thuộc các giới từ và các cụm động từ, sau đó luyện tập thật nhiều để trở nên nhuần nhuyễn. Có một chú ý là học sinh nên học các cụm động từ này theo chủ đề, vì từng chủ đề sẽ có những cụm động từ hay được sử dụng phổ biến nhất với ý nghĩa riêng biệt. Và đoạn văn này cũng là trích ra hay liên quan đến một chủ đề nào đó nên học sinh sẽ nhanh chóng nhận ra được cụm động từ nào sẽ là đáp án.

a) Cấp độ cụm từ: 

Khi học bài trên lớp, học sinh thường không chú ý nhiều đến các cụm từ cố định. Hầu như học sinh mới chỉ dừng lại ở việc hiểu nghĩa của các cụm từ đó, nhưng như vậy là chưa đủ. Các bài điền từ thường nhắm vào những cụm từ trên, bỏ trống một thành phần và yêu cầu học sinh chọn từ điền vào. Các phương án đưa ra thường không khác nhau về chức năng/ ngữ nghĩa nhưng chỉ có một phương án kết hợp được với các thành tố xung quanh và là đáp án đúng. Trong quá trình học tập, các em học sinh cần lưu ý học thuộc những cụm từ xuất hiện cố định như:

       - To be fond of = to be interested in: thích thú, quan tâm cái gì

       - To be good at: giỏi về lĩnh vực gì, giỏi làm gì

       - To be surprised at: ngạc nhiên vì điều gì

       - To be fed up with = to be bored with: chán điều gì

       - To be tired of: mệt mỏi vì điều gì

       - To be afraid of: sợ, e ngại điều gì

b) Cấp độ cấu trúc

Người ra đề có thể bỏ bớt một từ trong các cấu trúc học sinh đã được học trong sách giáo khoa và đưa ra 4 phương án lựa chọn. Khi làm các câu hỏi này, các em cần lưu ý phân biệt rõ các từ và đặt nó vào bối cảnh cụ thể trong câu vì các lựa chọn đưa ra hầu hết đều có cùng ý nghĩa với nhau nhưng chỉ có một từ có thể điền vào chỗ trống để tạo thành cấu trúc đúng. 

c) Cấp độ mệnh đề và câu

Phổ biến nhất về cấp độ này là các câu hỏi về sự hoà hợp giữa chủ ngữ và động từ (Subject – Verb Agreement). Để làm tốt câu hỏi dạng này, các em cần phân biệt danh từ đếm được và danh từ không đếm được; danh từ số ít và danh từ số nhiều để chia động từ/ trợ động từ cho đúng. 

Các em cần lưu ý có rất nhiều từ kết thúc là -s nhưng vẫn là danh từ số ít (vì dụ như series) hay có những danh từ không kết thúc bằng -s mà vẫn là danh từ số nhiều như men, women, feet, geese, teeth, lice, mice. Ngoài ra còn có một số danh từ có thể dùng ở cả dạng số ít và và số nhiều như: fish, carp, sheep, deer. Có một số từ/ cụm từ luôn luôn đi với danh từ đếm được (như few, a few, many,…) trong khi một số từ chỉ bổ nghĩa cho danh từ không đếm được như (little, a little, much,…)

Ví dụ: We have cut down _____ trees that there are now vast areas of wasteland all over the world. 

A. So much 

B. So many

C. So few

D. So little

Vì danh từ đi sau “trees” là danh từ đếm được số nhiều nên chỉ có thể điền phương án B hoặc C. Dựa vào ý nghĩa của câu (vế sau) thì ta phải chọn B. (Chúng ta đã chặt nhiều cây xanh đến nỗi ngày nay có nhiều khu đất hoang rộng lớn trên toàn thế giới). 

4. Trường hợp 4

Bốn phương án cùng từ loại nhưng chỉ khác một chút về nghĩa

Với dạng này, sau bước thứ nhất các em đã đọc lướt qua cả đoạn văn để nắm được nội dung chính, văn phong mục đích của đoạn văn, các em sẽ tìm ra được phương án nào hợp với ngữ cảnh của đoạn văn nhất. 

Đây là dạng khó nhất trong bài điền từ vào đoạn văn, và nội dung các em cần học để làm được bài này đó là học cách phân biệt các từ dễ nhầm lẫn. 

Trên đây là những hướng dẫn của các thầy cô tại Bigtree Land cho quá trình ôn tập và làm bài dạng điền từ vào chỗ trống trong đề thi môn tiếng Anh. Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các em học sinh học tiếng Anh hiệu quả hơn. 

Chúc các em thật thành công trong kỳ thi sắp tới!

____________________________________________________________

Bigtree Land – Chuyên ôn thi CLC vào 6, ôn thi chuyên Anh vào 10 

Địa chỉ: CS1. Tầng 1, chung cư Ecodream, ngõ 300 Nguyễn Xiển

              CS2. Số 11- A23, KĐT Geleximco A, Lê Trọng Tấn, An Khánh 

              Hệ thống lớp học ôn thi Online Qua Zoom từ lớp 2->9

Fanpage: https://www.facebook.com/bigtreeland

Website: https://bigtreeland.vn/ 

Liên hệ: 0967.922.646