CÁC LỖI THƯỜNG GẶP KHI LÀM BÀI TẬP VIẾT ĐOẠN VĂN

I. Các lỗi sai phổ biến

Lỗi ngữ pháp là một lỗi sai đáng tiếc nhưng lại phổ biến nhất khi viết văn bằng tiếng Anh. Hầu hết các lỗi ngữ pháp đề dễ xử lý, do đó, học sinh hoàn toàn có thể tự sửa được cho bài viết của mình nếu có nền tảng kiến thức ngữ pháp chắc chắn. Bài viết “CÁC LỖI THƯỜNG GẶP KHI LÀM BÀI TẬP VIẾT ĐOẠN VĂN” nhằm mục đích giúp học sinh nhận thức được lỗi sai của mình, lý do đằng sau lỗi sai đó và đề xuất hướng giải quyết để giúp học sinh cải thiện một cách nhanh nhất.

1. Chưa phân biệt được đại từ làm chủ ngữ và tân ngữ

Một trong những lỗi cơ bản nhất của học sinh ở mức cơ bản đó chính là nhầm lẫn giữa đại từ làm chủ ngữ và đại từ làm tân ngữ. 

Xét ví dụ sau:

I love chicken and salad. I can eat they every day. 

(Tôi thích gà và xa lát. Tôi có thể ăn chúng mỗi ngày)

Trong ví dụ trên, từ “they” ở câu số 2 dùng sai vì “they” là đại từ nhân xưng, có nhiệm vụ làm chủ ngữ, cho nên thường đứng đầu câu. Đại từ nhân xưng không thể đứng sau động từ để chịu tác động của động từ đó. Trong trường hợp đó, đại từ nhân xưng làm tân ngữ sẽ chính xác hơn. Cho nên, “they” được sửa thành “them”.

Đại từ nhân xưng làm chủ ngữ

Đại từ nhân xưng làm tân ngữ
I Me
You You
He Him
She Her
It It
We Us
They Them

2. Dùng ngôn ngữ informal trong văn viết

Ngôn ngữ informal thường được dùng trong giao tiếp, có thể bằng việc nói hoặc viết, với người thân và bạn bè. Email cá nhân và tin nhắn là ví dụ điển hình của ngôn ngữ informal. Trong khi đó, ngôn ngữ formal được dùng trong môi trường học thuật và làm việc. Ngôn ngữ thông tục, dạng rút gọn và ngôi thứ nhất “I” và “We” là những điều học sinh nên tránh trong ngôn ngữ formal.

 Ví dụ: 

Thay vì viết tắt và sử dụng ngôn ngữ giao tiếp trong văn viết như: “I had a wondeful vacation this summer because I played sport a lot” (Tôi có một kỳ nghỉ hè tuyệt vời vì tôi đã chơi thể thao rất nhiều)

Học sinh nên viết: “I had a wonderful vacation this summer because I filled it with several sporty activities”.

3. Sử dụng sai mạo từ xác định the và không xác định a/an

Khi diễn đạt mô tả sự vật nói chung, học sinh nên sử dụng mạo từ. Một danh từ đếm được, số ít cần phải có một mạo từ hoặc hạn định từ (ví dụ my, her, his, hoặc this, that,…) kèm theo. 

Ví dụ:

Thay vì viết: “I live with my family in the small lovely house”

Thí sinh nên viết: “I live with my family in a small lovely house”

Trong câu trên, cụm danh từ “small lovely house” được giới thiệu đầu tiên trong câu, và chỉ một căn hộ nhỏ chung chung, người viết nên dùng mạo từ không xác định “a” trước cụm đó, thay vì mạo từ xác định “the”.

Học sinh cần lưu ý sự khác biệt giữa hai mạo từ: the và a/an. Cụ thể, mạo từ a/an được dùng khi người/vật được nhắc đến lần đầu, hoặc người nói không mong đợi người nghe/đọc hiểu chính xác đối tượng đang nhắc đến là đối tượng nào.

Mạo từ xác định “the” được dùng khi vật/người đã được xác định, hoặc được nhắc đến trước đó. 

4. Chia sai dạng động từ bổ ngữ

Trong tiếng Anh, có hai dạng động từ bổ ngữ cho động từ chính trong câu: to – V và V – ing. 

Cụ thể, một số động từ đi theo sau nó bởi một động từ bổ ngữ dạng to – V. Ví dụ như want, need, would like,… Trong khi đó, những động từ khác đi theo sau bởi V – ing, ví dụ hate, dislike, enjoy, avoid,… Một số khác có thể đi kèm bởi cả hai dạng với nghĩa không thay đổi như forget, remember, try vì chúng đều có thể đi kèm bởi to – V hoặc V – ing, nhưng với hai lớp nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:

  • Forget + to – V: Quên phải làm gì 

Ví dụ: Oh no! I forgot to do my homework. (Ồ không, tôi đã quên làm bài tập về nhà).

  • Forget + V – ing: Quên đã làm gì

Ví dụ: I never forget getting the first A+ at Math. (Tôi không bao giờ quên việc đã đạt điểm A+ đầu tiên cho môn Toán). 

5. Thừa giới từ

Lỗi viết thường gặp tiếp theo là lỗi sử dụng thừa giới từ. Lỗi này có thể xuất phát từ việc phần lớn học sinh dịch tự động từng từ từng chữ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Ví dụ:

I was in the cinema yesterday and there were a lot of people in there. (Tôi đã ở rạp chiếu phim ngày hôm qua và đã có rất nhiều người ở đó).

Trong câu trên, cụm “in there” có thể viết ngắn gọn thành “there”, vì giới từ “in” có thể lược bỏ. 

Ngoài “in there”, học sinh cũng hay mắc lỗi sử dụng cụm “in here”.

6. Thiếu động từ to be

Lỗi thiếu động từ to be là một lỗi khá bất cẩn của học sinh, và cũng là một lỗi học sinh có thể tự sửa được.

Xét câu sau:

I went to many cities in Vietnam and these cities very beautiful. (Tôi đã đi đến nhiều thành phố ở Việt Nam trước đó và những thành phố này thật xinh đẹp).

Trong câu trên, mệnh đề thứ 2 sau liên từ “and” thiếu động từ chính là to be, cụ thể là “are”.

Ngoài ra, có nhiều trường hợp, học sinh dùng thì hiện tại tiếp diễn, nhưng lại quên điền “to be”.

Ví dụ: The dog playing in the garden behind the house. (Chú chó đang nô đùa ở sân sau nhà).

Câu trên thiếu động từ “to be” là “is” trước “playing”.

7. Dùng sai tính từ đuôi -ed và -ing

Học sinh hay nhầm lẫn giữa tính từ có dạng V-ed và V-ing. Cụ thể, học sinh chưa phân biệt được tính từ nào có nghĩa chủ động và tính từ nào mang nghĩa bị động. 

Xét câu sau:

However, I felt very boring and sad, so now, I am always with my friends or my family. (Tuy nhiên, tôi cảm thấy chán nản và buồn, vì vậy bây giờ tôi luôn ở với gia đình hoặc bạn bè).

Trong câu trên, tính từ “boring” (xuất phát từ động từ “bore” thêm “-ing”) mang nghĩa chủ động, thường sẽ gây cảm xúc chán nản lên người khác. Vì vậy, “boring” sẽ không được dùng để mô tả cảm xúc của người hay vật. 

Đáp án đúng là “bored”.

Từ đó, học sinh có thể suy ra, V-ing là tính từ mang nghĩa chủ động, còn V-ed là tính từ mang nghĩa bị động. Thí sinh có thể cân nhắc lựa chọn giữa hai loại tính từ trên bằng cách xem xét xem danh từ chính ở đây là người/vật bị tác động (V-ed) hay là tác nhân gây tác động lên người khác (V-ing).

II. Cách hạn chế tối đa các lỗi khi viết

Để hạn chế mắc các lỗi viết cơ bản, học sinh cần phải có một nền tảng kiến thức ngữ pháp vững. Đặc biệt, học sinh cần nắm kỹ các chủ điểm ngữ pháp cực kỳ quan trọng như sau:

     - Thành phần câu

     - Loại từ (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ,..) và vị trí từng loại từ.

     - Các thì, cách sử dụng và cấu trúc

Sau khi đã hiểu và nắm rõ các nguyên tắc ngữ pháp cơ bản, học sinh nên áp dụng kiến thức học được vào luyện viết câu theo các chủ đề đã học trong SGK Tiếng Anh. Sau khi viết xong một đoạn văn ngắn, học sinh có thể sử dụng chức năng kiểm tra chính tả của Google Docs để rà soát lỗi sai. Sau đó, dựa vào kiến thức và tìm hiểu, học sinh tìm ra lý do chính xác cho lỗi sai đó và ghi chép lại vào một phần cụ thể của cuốn số nhỏ, có thể đặt tên mục đó là “Các lỗi sai ngữ pháp”. Học sinh cố gắng không tái phạm lỗi sai đó trong tương lai, bằng cách review lại mục các lỗi sai và dành 3 – 4 phút tự kiểm tra chính tả, ngữ pháp sau mỗi lần viết. 

____________________________________________________________

Bigtree Land – Chuyên ôn thi CLC vào 6, ôn thi chuyên Anh vào 10 

Địa chỉ: CS1. Tầng 1, chung cư Ecodream, ngõ 300 Nguyễn Xiển

              CS2. Số 11- A23, KĐT Geleximco A, Lê Trọng Tấn, An Khánh 

              Hệ thống lớp học ôn thi Online Qua Zoom từ lớp 2->9

Fanpage: https://www.facebook.com/bigtreeland

Website: https://bigtreeland.vn/

Liên hệ: 0967.922.646